Người vợ mang bầu 8 tháng ôm đứa con 2 tuổi vào lòng, cố gượng để trụ vững trước cú sốc chồng hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đồng đội nước mắt giàn giụa trong giây phút khâm liệm anh.
Con khóc đòi cha, mẹ già đau ngất
Trưa 8-9, hàng trăm cảnh sát là đồng nghiệp đã đến chia buồn cùng gia đình thượng úy Phạm Phi Long, chiến sĩ phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân (thuộc Cảnh sát PCCC TP.HCM), người vừa hi sinh trong khi cố gắng dập tắt đám cháy ở phường Bình Hưng Hòa B.
Trong ngôi nhà số F10/27 ấp 6, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), mắt ai cũng đỏ hoe, không khí vỡ òa tiếng khóc khi nắp quan tài đậy lại.
Ngồi bệt giữa nền nhà dỗ dành con trai, chị Nguyễn Thị Hồng Phượng bần thần bên cạnh linh cữu chồng.
Từ tối qua đến giờ, bé Phát, con lớn của hai vợ chồng chị, không chịu ngủ, liên tục đòi cha. Thiếp đi được một lúc, bé Phát lại giật mình tỉnh giấc, khóc thét.
Chị Phượng ngồi lặng thinh không nói, từ lúc nhận được hung tin đến giờ chị phải cố đứng vững. Nếu sức khỏe của chị có chuyện, đứa con 8 tháng tuổi đang nằm trong bụng sẽ bị ảnh hưởng.
Thượng úy Long mới 31 tuổi, chị Phượng mới 29, hai vợ chồng kết hôn mới được hơn 3 năm. Bé Phạm Hữu Phát được hơn 2 tuổi.
Sắp có với nhau 2 mặt con nhưng anh Long liên tục vắng nhà vì công việc. Mấy lần hai vợ chồng định đi du lịch mà anh Long vì lo trực chiến nên hủy.
“Hôm kia ảnh được nghỉ, còn cùng em đi mua quần áo chuẩn bị cho con chào đời. Ảnh thích em sinh một bé gái”, chị Phượng nghẹn ngào nói trong dòng nước mắt.
Không chịu được nỗi đau, mẹ thượng úy Long có lúc khóc ngất. Người phụ nữ 52 tuổi ngồi nhìn cháu nội ngủ đang ngủ thiếp đi, bàn tay bà thâm đen vì dính đầy nhựa rau muống.
Nhà vốn không có ai theo ngành công an, hằng ngày bà lam lũ ngoài chợ bán rau để giúp sức nuôi ước mơ làm cảnh sát cho con. Đến lúc con trưởng thành, bà chưa kịp mừng thì đã chịu cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.
Căn nhà của bà bị ngập sau những trận mưa lớn, gạch nứt nẻ hết. Mỗi lần thấy vậy, thượng úy Long thường nói mẹ lấy tiền để sửa nhà.
“Thấy nó hạnh phúc, có con cái để lo, người mẹ như tôi ai nỡ lòng nào lấy tiền của nó. Mình cố lam lũ một tý, vài năm nữa cũng sửa được nhà thôi”, mẹ thượng úy Long chia sẻ.
Tỉnh dậy mới biết đồng đội đã hi sinh
Nghẹn nghèo tiễn đưa đồng đội:
Nằm trong phòng điều trị, hạ sĩ Phạm Tấn Quốc (24 tuổi) nghĩ đến đồng đội hi sinh mà mắt sưng húp. Quốc nghĩ mình đã quá may mắn thoát nạn khi lầu 1 căn nhà đang cháy đổ sập.
Nhận tin cháy từ lúc nửa đêm, các chiến sĩ lập tức đến hiện trường. Sau khi khoanh vùng không cho cháy lan, xác định không còn người mắc kẹt bên trong, các chiến sĩ được lệnh phá cửa căn nhà để tiếp cận sâu bên trong tiếp tục dập lửa.
Vẫn còn mặc chiếc áo chữa cháy rách loang lổ, nám đen, Quốc bị nhiều chỗ xây xát khắp người, chấn thương lưng, cổ thì nẹp chặt. Trong cuộc nói chuyện, không ít lần Quốc trở mình than đau.
Quốc nhớ lại, khi tiếp cận đám cháy, ngọn lửa rất lớn, rất nhiều quần áo cũ được đóng thành kiện bén lửa ngùn ngụt, mùi khét nồng nặc. Quốc được giao nhiệm vụ cùng anh Long và hạ sĩ Bùi Văn Dũng (20 tuổi) ôm lăng chữa cháy tiếp cận từ phía cửa sổ để dập lửa.
Do cửa sắt kiên cố, lửa táp ra, khói đen nghi ngút nên việc phá vừa rất khó khăn. Khi các chiến sĩ đang bám trên mái tôn thì bất ngờ lầu 1 căn nhà đổ sập.
“Cả mảng tường nóng hổi đè lên tôi, tôi không còn cảm giác gì. Tôi nghe tiếng hét rất lớn của đồng đội rồi ngất đi. Giờ mới biết anh Long đã hi sinh. Vợ anh Long đang mang bầu không biết có vượt qua cú sốc này không”, Quốc bùi ngùi kể.
Hạ sĩ Bùi Văn Dũng bị gãy chân đang nằm trong phòng mổ, được các bác sĩ chăm sóc đặc biệt.
Thượng tá Nguyễn Văn Hưởng – phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM – cho biết đơn vị đã làm đề xuất gửi Bộ Công an để công nhận liệt sĩ cho thượng úy Phạm Phi Long.
Nhiều đơn vị đã đến thăm, động viên, hỗ trợ các gia đình và các chiến sĩ bị nạn. Quận Bình Tân hỗ trợ gia đình thượng úy Phạm Phi Long 120 triệu đồng, UBND TP.HCM hỗ trợ 50 triệu đồng, Cảnh sát PCCC TP.HCM hỗ trợ 35 triệu đồng.
Quận Bình Tân cũng hỗ trợ mỗi chiến sĩ bị thương 50 triệu đồng.
Theo tuoitre