Về hưu, bà Lương sống với vợ chồng Thái, người con trai út trong đàn con sáu đứa của mình. Ông Thường, chồng bà, đã mất được chẵn mười năm, thuở bà còn đang công tác.
Lương hưu của bà được trên ba triệu. Để rành mạch chuyện chi phí, sinh hoạt, bà góp cho vợ chồng Thái hai trăm ngàn tiền gạo, và một triệu tiền thức ăn mỗi th.á.n.g. Thấy vợ Thái tỏ vẻ không vui, bà bảo:
– Một triệu tiền thức ăn, đúng là có hơi ít. Nhưng chúng mày thử nghĩ xem. Từ ngày về đây, tao hầu hạ vợ chồng mày đủ đường, nào đưa đón hai đứa con chúng mày đi học, nào cơm nước, giặt giũ, nào quét sân, dọn vườn, nào lau nhà… Giá tao đi làm osin cho nhà người ta, thì cũng chỉ từng ấy công việc là cùng. Mà đi làm osin còn được ba bốn triệu mỗi th.á.n.g, lại còn cơm nuôi…
Ăn chung được mấy th.á.n.g, bà thấy bất tiện. Vì vợ chồng Thái có một cơ sở làm nấm. Hàng ngày, hai vợ chồng ở lán nấm nhiều hơn ở nhà, hàng ngày chỉ tạt về nhà, lùa vội bát cơm là đi.
Vào vụ nấm, nhiều hôm vợ chồng hái nấm, đóng nấm vào bịch, đi Hà Nội giao nấm, có khi đến khuya thằng chồng mới về. Hai đứa con đều học bán trú, sáng đi chiều về, chỉ có mình bà ở nhà. Nhiều hôm nấu cơm trưa xong, sắp cơm ra, bà ngồi chờ chê chờ chán, nhưng sớm nhất là 12 giờ trưa, muộn thì 12 rưỡi, một giờ vợ chồng nó mới về, thức ăn đã nguội ngơ nguội ngắt.
Ảnh minh họa
Vẫn biết là vì công việc nên chúng nó mới thế. Nhưng chờ lắm sốt ruột, bà quyết định lại tách ra, chỉ nấu cơm chung với nhà nó, còn thức ăn thì bà ăn riêng. Thế là từ đó, sáng đưa cháu đi học xong, bà tạt qua chợ làng mua thức ăn cho mình. Gần trưa, bà cắm một nồi cơm, làm thức ăn cho mình xong, cơm chín lúc nào bà xúc ra ăn lúc đó. Còn lại, vợ chồng nó về lúc nào, chúng nó tự mua lấy thức ăn, nấu nướng lấy mà ăn, cơm thì đã sẵn đấy.
Ngày mười hai th.á.n.g ba âm lịch mới rồi, làng có hội. Hội làng chính là ngày giỗ của vị Tiên công họ Nguyễn, người đầu tiên đến đất này lập làng, sau được dân làng thờ làm Thành hoàng. Ngày hội, sau phần lễ là rất nhiều trò chơi, nào đấu vật, đấu cờ, bóng chuyền, thổi cơm thi… Ngày hội, nhà nào cũng làm cỗ. Học sinh các cấp của xã được nghỉ học một ngày.
Hôm đó vợ chồng Thái nghỉ một buổi làm, hai đứa con cũng ở nhà. Trừ tết ra, trong năm thật hiếm có được một ngày mẹ con, bà cháu sum họp như vậy. Chừng 8 giờ sáng, bà đã ra đình làng, cùng với các cụ trong hội người cao tuổi thắp hương, hai đứa con nhà Thái bám theo bà ra hội.
Thắp hương ở đình xong, về nhà, bà cắm cơm như thường lệ và làm thức ăn cho mình, bà bỏ một miếng chân giò chừng 2 lạng vào luộc, dự định ăn cả ngày. Lúc bà đang rửa thịt thì vợ chồng Thái cũng bắt một con gà dễ đến ba cân ra mổ.
Làm cỗ, thắp hương trên bàn thờ gia tiên xong, vợ Thái ra hội tìm hai đứa con về rồi sắp mâm. Mẹ con, bà cháu xúm xít. Đĩa thịt luộc của bà đặt cạnh đ.ĩa thịt gà, bát miến nấu lòng và đ.ĩa cá rán, đ.ĩa nấm xào của nhà Thái. Vợ Thái bảo:
– Bà đừng ăn thịt lợn nữa, bà ăn thịt gà đi này.
Nghe vậy, bà Lương chạnh lòng. Lúc vợ chồng nó mổ gà, rõ ràng nó nhìn thấy mình rửa thịt. Giá như lúc ấy nó mời được một tiếng, rằng hôm nay vợ chồng con mổ con gà. Bà đừng làm thức ăn nữa, ăn cùng với nhà con, thì đi một nhẽ. Đằng này nó không thèm cất lời. Con vợ, khác máu tanh lòng đã đành. Nhưng còn thằng chồng, sao nó cũng câm như hến. Đến lúc này, ngồi vào mâm rồi, nó mới mời dơi một tiếng. Ă miếng thịt gà của nó lúc này, khác gì ăn miếng nhục. Nghĩ vậy, bà vùng vằng:
– Thôi, chúng mày ăn đi. Tao không ăn. Tao có thức ăn rồi.
Thế là suốt bữa, bà chỉ gẩy gót mấy miếng thịt chân giò của mình, tuyệt không đụng đũa đến thức ăn của “nhà chúng nó”, mặt bà nặng trĩu. Thấy vậy, Thái gắp một miếng ức gà đặt vào bát mẹ. Bà gắp giả lại:
– Đã bảo tao không ăn mà lại.
– Bà làm sao thế?
– Chẳng làm sao cả. Của chúng mày thì chúng mày ăn. Tao sống bằng tiền của tao, tao chẳng cậy, chẳng nhờ đứa nào hết.
– Vâng, thì chúng con cũng biết là xưa nay, chúng con chưa nuôi được bà bữa nào. Nhưng hôm nay là ngày hội, sao bà lại tỏ vẻ giận dỗi vợ chồng con thế. Chúng con có làm gì sai với bà đâu?
– Sai hay đúng cái gì, thì tự vợ chồng nhà mày biết. Cứ sống thế này, thì thà tao chết quách đi theo bố mày cho xong.
Nói xong, bà vùng vằng đứng lên, vào buồng nằm. Thấy vậy, Thái cũng buông bát đũa, hầm hầm đứng lên. Mâm cơm chỉ còn ba mẹ con. Không khí nặng như chì. Hai đứa con, lúc đầu bữa còn tranh nhau vừa ăn vừa bi bô chuyện, giờ cũng im thin thít. Bữa cơm đoàn viên lại hóa thành “bữa cơm buồn”.
Theo giadinhhanhphuc